Có rất nhiều bà mẹ có con dưới 2 tuổi than phiền khi thấy con có giai đoạn thường hay gãi tai. Do đây là giai đoạn trẻ chưa biết nói hoặc mới tập nói rất ít, nên biểu hiện này thường khiến nhiều bậc cha mẹ phân vân, lo lắng. Vậy, bé gãi tai có phải là do bệnh hay chỉ là phản xạ của trẻ?
Nguyên nhân dẫn đến việc trẻ gãi tai
Trên thực tế, nếu trẻ chỉ thi thoảng mới có hành động này thì có thể là do tự phát, trẻ nghịch ngợm. Tuy nhiên, nếu em bé thường xuyên có biểu hiện gãi tai, thì cha mẹ không nên nghĩ đơn giản là "ngứa thì gãi", mà cần phải chú ý đến trẻ nhiều hơn.
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ hay gãi tai
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ gãi tai, trong đó thông dụng nhất là do ráy tai. Ở một số bé, ráy tai khô, cứng, tích tụ nhiều trong tai khiến bé khó chịu.
Một số bé do bị dị ứng với 1 số yếu tố như: bụi nhà, lông động vật, xà bông....dẫn đến bị ngứa ngáy, khó chịu cũng khiến trẻ sẽ bứt tai, gãi tai.
Một trong những nguyên nhân nghiêm trọng nhất dẫn đến tình trạng trẻ gãi tai là do bé bị mắc chứng viêm tai giữa. Đây là một bệnh lý thường gặp khá nhiều ở những trẻ nhỏ, đặc biệt ở những trẻ đang có dấu hiệu bị viêm mũi, họng. Viêm tai sẽ khiến trẻ đau nhức, khó chịu trong tai. Từ đó làm trẻ hay quấy khóc, kém ăn, kém ngủ và sốt cao.
Cách xử lý khi thấy bé hay gãi tai
Khi thấy em bé thường xuyên có biểu hiện gãi tai, bứt tai, cha mẹ không nên chủ quan mà cần chú ý quan sát tình trạng của trẻ. Nếu thấy bé không ngừng gãi sau 1 vài ngày theo dõi, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ tai mũi họng để được thăm khám một cách cụ thể, xác định nguyên nhân gây ra tình trạng này và chữa trị kịp thời.
- Đối với trường hợp thông thường là do ráy tai nhiều, cha mẹ nên nhờ trực tiếp sự giúp đỡ của bác sỹ để lấy bớt ráy tai ra, giúp trẻ dễ chịu. Tuyệt đối không nên tự ý lấy ráy tai cho trẻ ở nhà, bởi trang thiết bị không đủ, không đảm bảo vệ sinh.
Trẻ em lại hay ngó ngoáy, nên khi tự lấy sẽ khiến tình trạng trở nên tệ hơn. Có thể khiến có ráy tai càng bị đẩy sâu vào bệnh trong, hoặc không may nữa có thể ảnh hưởng đến màng nhĩ của trẻ.
- Trường hợp trẻ bị ngứa ngáy do yếu tố dị ứng, cần vệ sinh lại môi trường, vật dụng quanh bé. Loại bỏ hết những nguyên nhân khiến bé ngứa ngáy khó chịu. Tóc của em bé cũng nên được cắt gọn gàng, tránh để lờm xờm cạnh tai, đâm vào tai bé gây khó chịu
Đọc thêm: Mẩn ngứa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em
- Đi soi tai mũi họng, bác sĩ sẽ kết luận chính xác xem có phải bé bị viêm tai giữa hay không? Trường hợp bé bị viêm tai giữa, cha mẹ cần nghe theo lời khuyên của bác sĩ để điều trị dứt điểm cho bé.
Viêm tai giữa cấp thường được chia làm ba giai đoạn: giai đoạn sung huyết, giai đoạn ứ mủ và giai đoạn vỡ mủ. Nếu viêm tai giữa ở giai đoạn sung huyết chỉ cần điều trị nội khoa bằng kháng sinh toàn thân.
Nếu viêm tai giữa chuyển sang giai đoạn ứ mủ thì việc trích rạch màng nhĩ dẫn lưu mủ được cân nhắc sử dụng đồng thời với các thuốc điều trị toàn thân khác như trong giai đoạn sung huyết.
Nếu viêm tai giữa đi qua hai giai đoạn này, dịch mủ ứ đọng trong tai giữa sẽ tự phá vỡ phần mỏng nhất của màng nhĩ chảy ra ngoài qua ống tai ngoài. Lúc này màng nhĩ bị thủng. Giai đoạn này thì việc điều trị bằng cách làm thuốc tai cho trẻ rất có ý nghĩa.
Điều cần nhớ, việc chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa phải được thực hiện tại các cơ sở có chuyên khoa tai mũi họng. Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc về điều trị mà không được thăm khám của các thầy thuốc chuyên khoa vì có thể để lại những di chứng do tai biến nặng nề của thuốc như điếc không hồi phục vì tác dụng của một số thuốc gây ngộ độc ốc tai có trong thành phần của thuốc nhỏ tai. Không dùng các phương pháp dân gian, hoặc nhỏ các loại thuốc, thảo dược không được chỉ định vào tai của bé.