Theo các số liệu thống kê mới nhất cho thấy tỷ lệ trẻ nhỏ bị viêm tai giữa ngày càng có xu hướng tăng cao, nhất là ở trẻ sơ sinh. Bệnh viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh gia tăng một phần chính là do cha mẹ không nắm được nguyên nhân gây bệnh nên không chủ động đưa ra các biện pháp phòng tránh. Nếu kéo dài không xử lý sớm có thể đe doạ tính mạng.
Các chuyên gia y tế cho rằng viêm tai giữa là một trong những bệnh lý thường gặp ở trẻ, đây là tình trạng tai giữa của trẻ bị nhiễm trùng và chảy mủ. Lúc này bé thường có biểu hiện đặc trưng như sốt cao, đau nhức tai, thường xuyên quấy khóc liên tục, chán ăn, bỏ bú, mệt mỏi, ngủ không ngon giấc. Nhiều bé còn bị tiêu chảy do rối loạn tiêu hoá, chảy nước mũi, ho nhiều, hay nôn trớ và có dịch mủ chảy ra từ ở trong tai.
Nguyên nhân chính khiến bé sơ sinh bị viêm tai giữa
Thủ phạm chính gây bệnh viêm tai giữa cấp ở trẻ sơ sinh đó là do vi khuẩn, do virus hoặc một số vi trùng khác gây ra. Những tác nhân này có thể xâm nhập từ ngoài vào hoặc lây lan từ vị trí khác đến, tại đây chúng làm tổn thương lớp biểu bì và niêm mạc tai giữa.
Vi khuẩn và virut là thủ phạm gây viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh.
Bên cạnh đó còn rất nhiều nguyên nhân khác nữa khiến bé sơ sinh bị viêm tai giữa như:
- Do hệ miễn dịch và sức đề kháng của trẻ sơ sinh còn non kém, chưa phát triển đầy đủ nên không có đủ sức để chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn lẫn virus. Các tác nhân này dễ dàng tấn công cơ thể trẻ rồi gây ra bệnh.
- Do đặc điểm cấu trúc tai trong của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện. Các mẹ nên biết cấu tạo tai trong của bé thường được kết nối với mặt sau cổ họng thông qua ống thính giác. Bình thường thì ống thính giác này sẽ mở để cho phép chất lỏng cùng các tạp chất thoát ra ngoài. Nhưng một khi ống này bị đóng lại, bị tắc thì tất cả các chất thải sẽ không thoát được ra ngoài nên vi khuẩn sẽ bị kẹt lại bên trong tai, từ đó khiến cho tai giữa bị viêm. Hơn nữa do ống thính giác của trẻ có cấu tạo ngắn hơn nên dễ bị tắc.
- Một số biến chứng khác của bệnh lý tai mũi họng cũng gây viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh. Điển hình như bệnh viêm họng, viêm VA, viêm họng hạt, viêm amidan, viêm xoang...nếu không được chữa sớm thì vi khuẩn từ đây cũng có thể lây lan gây ra viêm tai giữa.
Một số bệnh lý mũi họng cũng gây viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh.
- Do mẹ không chú ý vệ sinh sạch sẽ tai cho trẻ, lâu ngày ráy tai nhiều lên, tai bẩn, tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào làm tổn thương và gây bệnh.
- Do mẹ dùng vật cứng hoặc bông tăm ngoáy tai cho bé không đúng cách, vô tình làm tổn thương trong tai, gây chảy máu, lâu ngày gây viêm nhiễm.
- Nhiều trường hợp nguồn nước sinh hoạt, tắm rửa của bé không sạch, có chứa vi khuẩn. Khi bé tắm phải nước đó, nước tràn vào tai sẽ đem theo cả vi khuẩn gây bệnh.
Cách đối phó với bệnh viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh:
- Vệ sinh tai sạch sẽ cho bé với dung dịch nước muối sinh lý và bông tăm
- Rửa mũi sạch sẽ cho bé với nước muối sinh lý mỗi ngày 2-3 lần cho mau khỏi
- Cho trẻ bú sữa mẹ nhiều để tăng cường sức đề kháng
- Hạ sốt cho trẻ kịp thời, đúng cách nếu con sốt nhẹ dưới 38,5 độ C mẹ cần dùng khăn ấm lau người và chườm vào 5 vị trí nách, trán, bẹn của con, còn trường hợp sốt cao thì cần cho con uống thuốc hạ sốt
Hạ sốt và vệ sinh tai mũi sạch sẽ cho bé với nước muối sinh lý.
- Cho bé mặc quần áo rộng rãi, mỏng và thấm hút mồ hôi tốt.
- Mẹ cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh (nhiều vitamin, rau xanh, củ quả) để tạo ra dòng sữa chất lượng cho bé bú sẽ mau khỏi hơn.
Nếu như sau 1- 2 ngày theo dõi mà các dấu hiệu viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh không thuyên giảm, trẻ vẫn sốt, quấy khóc và đau tai thì cần đưa bé đi gặp bác sĩ ngay. Tại đây, bác sỹ sẽ tiến hành kiểm tra để có biện pháp can thiệp đúng đắn nhất.
Mẹ lưu ý tuyệt đối không tự ý mua bất cứ loại thuốc kháng sinh nào cho bé uống để chữa viêm tai giữa. Chỉ dùng thuốc khi bác sỹ chỉ định để đảm bảo an toàn.
Đọc thêm:
> Bé bị viêm tai giữa uống thuốc gì cho khỏi?
> Trẻ bị viêm tai giữa phải làm sao để nhanh khỏi?