Làm sao để xây dựng được thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng hợp lý không phải là điều dễ dàng. Nhất là khi thời điểm này bé bắt đầu cần nhiều dinh dưỡng hơn.
Những dấu hiệu cho thấy bé đã có thể ăn dặm
6 tháng là thời điểm vàng để các mẹ bắt đầu cho bé ăn dặm. Tuy nhiên nếu bé yêu nhà mình đã có những dấu hiệu dưới đây thì các mẹ có thể cho bé ăn dặm từ tháng thứ 5 rồi nhé. Lúc này, việc lên thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi là rất cần thiết, và để chuẩn bị được một cách chu đáo nhất các mẹ cần nắm được các dấu hiệu bé sẵn sàng ăn dặm:
+ Bé bắt đầu học ngồi và có thể ngồi vững mà không cần có sự trợ giúp của người lớn.
+ Bạn hãy để ý xem bé có thường nhai tóp tép trong miệng hay không, nếu có thì bé đã có thể ăn dặm.
Những dấu hiệu cho thấy bé có thể ăn dặm ở tháng thứ 5.
+ Trong bữa cơm, nếu bé cảm thấy thích thú và luôn nhìn chăm chú vào miệng của người lớn đang nhai thì đó là lúc bé cũng muốn được ăn.
+ Bé đùn lưỡi và nuốt nước bọt nhiều lần.
+ Dù vừa được mẹ cho bú căng sữa bé vẫn muốn được bú tiếp, đây là lúc nhu cầu dinh dưỡng của bé đã tăng lên và mẹ cần bổ sung dinh dưỡng cho bé.
+ Bé thức giấc lúc nửa đêm và đòi ăn.
Tuy bé 5 tháng tuổi đã có thể bắt đầu ăn dặm nhưng các mẹ vẫn phải nhớ rằng đây mới chỉ là bước đầu để bé làm quen với các loại thực phẩm khác ngoài sữa mẹ. Do đó các mẹ không nên ép con ăn nhiều mà nên để bé ăn theo nhu cầu mà bé muốn, ngoài ra nên cho con ăn các loại thức ăn loãng rồi mới đến đặc dần.
>>> Xem thêm: Lựa chọn bột ăn dặm cho bé 5 tháng
Thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng đủ dưỡng chất
Dưới đây là thực đơn ăn dặm cho trẻ 5 tháng được chia cụ thể theo tuần mà các mẹ có thể tham khảo và điều chỉnh cho hợp lý với bé yêu của mình.
Tuần đầu tiên: Chỉ cho bé ăn cháo trắng
Đây là tuần đầu tiên bé bước vào thời kỳ ăn dặm, do vậy bạn chỉ nên cho bé ăn cháo trắng loãng, khá giống với sữa mẹ để bé cảm nhận được hương vị khác biệt. Cách làm như sau:
Ở tuần đầu tiên, các mẹ chỉ nên cho bé ăn cháo trắng.
+ Bạn nấu cháo theo tỷ lệ 1 gạo 10 nước Các mẹ có thể nấu trên bếp hoặc cho gạo vào bát và đặt vào nồi cơm điện để tiết kiệm thời gian.
+ Sau khi cháo đã chín, mang cháo đi xay hoặc lọc qua rây để lấy hỗn hợp khoảng 10 đến 15ml. Tuy nhiên trong khi cho bé ăn, bạn chỉ nên cho bé ăn khoảng 1-2 thìa cháo, việc làm này sẽ giúp bé dần quen được mùi vị của thực phẩm mới.
Tuần thứ 2: Cháo trắng và các loại củ quả
Ngoài cháo trắng như ở tuần thứ nhất, các mẹ có thể thay đổi các loại củ quả khác nhau cho bé ăn, chẳng hạn như: bí đỏ, khoai tây, cà rốt, cà chua, táo… Tùy vào thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi của từng người mà lựa chọn sao cho phù hợp nhất. Bạn chỉ cần rửa sạch, hấp chín và rây khoảng 5ml cho bé ăn.
Không nên trộn các loại củ quả với nhau mà các mẹ nên cho bé ăn mỗi ngày một loại để giúp bé cảm nhận được mùi vị của từng loại đồ ăn dễ dàng hơn.
Tuần thứ 3: Cháo trắng trộn với các loại củ quả
Ở tuần này, bạn có thể kết hợp giữa cháo trắng với các loại củ quả khác nhau để bé ăn. Dưới đây là một số món cháo để bạn tham khảo.
+ Cháo cà rốt: Mang 20g cà rốt đã thái lát mỏng đi hấp chín nhừ, sau đó bỏ cà rốt vào rây để lọc lấy phần cà rốt mịn. Tiếp theo, trộn hỗn hợp 15ml cà rốt với khoảng 30ml cháo trắng đã rây là bạn đã hoàn thành món cháo dinh dưỡng cho bé.
+ Cháo bí đỏ: Hấp chín 20g bí đỏ và đem rây nhuyễn để lấy 10ml thành phẩm, sau đó trộn với 30ml cháo trắng đã được rây nhuyễn thành hỗn hợp sền sệt cho bé.
Tuần thứ 4: Bắt đầu từ tuần này, các mẹ có thể thêm nguyên liệu thịt, cá vào nấu chung để giúp cơ thể bé bổ sung chất đạm.
+ Cháo thịt lợn rau ngót: Với món ăn này, cách thực hiện như sau: Rửa sạch rau ngót rồi đem xay nhuyễn. Thịt lợn rửa sạch, mang đi xay nhuyễn và nấu chín thịt. Tiếp theo, cho cháo vào nồi đun, sau đó cho thịt lợn rồi đến rau ngót quấy đều để hỗn hợp quyện vào nhau. Nếu cháo quá đặc mẹ có thể cho thêm một chút nước, khi cháo đã chín thì cho thêm 1 giọt dầu ăn và tắt bếp.
Cháo rau ngót thịt lợn sẽ giúp bổ sung đạm cho bé.
+ Cháo trứng gà: Để thực hiện món ăn này, bạn cho cháo vào nồi đun thật nóng, sau đó cho lòng đỏ trứng vào khuấy đều. Khi cháo chín cho thêm 1 giọt dầu ăn vào cháo và cho ra bát, nên cho bé ăn ngay sau khi nấu bởi nếu để nguội, cháo sẽ có mùi tanh và bị hỏng.
Bên cạnh việc xây dựng thực đơn cho bé 5 tháng khoa học, các mẹ cũng đừng quên theo dõi thói quen của bé để biết bé thích ăn và không thích ăn loại thực phẩm nào, điều này sẽ giúp các mẹ có được một bảng thực đơn chi tiết và đầy đủ nhất.
Đọc thêm:
> Thực đơn ăn dặm cho bé 7 tháng tuổi và những lưu ý
> Khi nào cho trẻ ăn dặm? Thời điểm cho bé ăn dặm tốt nhất