Tình trạng nhiệt miệng ở trẻ em nếu xử lý chậm trễ có thể gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của trẻ, bé đau rát và bỏ ăn, thậm chí còn làm viêm nhiễm cả khoang miệng. Chính vì thế việc nắm được các dấu hiệu, triệu chứng trẻ bị nhiệt miệng sẽ giúp các mẹ chủ động, đối phó kịp thời để con mau khỏi, ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Các chuyên gia cho rằng nhiệt miệng ở trẻ là hiện tượng rất phổ biến và hầu như bé nào cũng gặp phải ít nhất 1 lần trong đời. Thậm chí có những bé bị liên tục, cứ hết lại tái phát khiến cha mẹ lo lắng. Nguyên nhân chính khiến bé bị nhiệt miệng là do hệ miễn dịch suy giảm, trẻ không có sức để chống chọi lại vi khuẩn và virus.
Nhiệt miệng ở trẻ em chủ yếu do virut và vi khuẩn gây ra.
Bên cạnh đó nhiệt miệng ở trẻ nhỏ còn do bé ăn nhiều thức ăn cay nóng và chất béo gây nóng trong người, do bé mắc các bệnh về răng miệng, do bị thiếu chất (thiếu vitamin B12, vitamin C và sắt), do thiếu nước hoặc do vật nhọn làm rách rồi dẫn tới nhiệt miệng. Tuy nhiên dù là vì nguyên nhân nào thì cũng cần phải xử lý khắc phục càng sớm càng tốt.
Dấu hiệu nhận biết nhiệt miệng ở trẻ em
Khi trẻ bị nhiệt miệng sẽ thường xuất hiện các triệu chứng điển hình như sau:
- Trong miệng của bé đột nhiên xuất hiện một vài đốm nhỏ có màu trắng, kích thước ban đầu của đốm này chỉ khoảng từ 1-2mm, sau đó lớn dần lên khoảng 8-10mm.
- Sau khoảng vài ngày các đốm này vỡ ra, tạo thành các vết loét màu trắng, vết loét này có hình tròn hoặc hình bầu dục, xung quanh viền có màu đỏ tươi.
- Vị trí vết loét nhiệt miệng này thường xuất hiện ở lưỡi, môi, nướu và ở niêm mạc 2 bên má của bé.
- Số lượng các vết lở loét do nhiệt miệng này có thể nhiều hoặc ít là tuỳ thuộc vào nguyên nhân cũng như tình trạng mức độ ở mỗi bé.
- Khi bé ăn đồ ăn cay, đồ mặn hoặc đồ cứng dai thì chúng sẽ gây cọ xát vào vết thương, khiến bé thấy đau rát, có khi chảy máu chân răng, khó chịu.
- Mẹ có thể quan sát thấy hình ảnh nhiệt miệng ở trẻ bằng mắt thường, có khi bé khóc hở lợi và lưỡi là mẹ có thể nhìn rõ được những vết loét đó.
Trẻ bị nhiệt miệng thường xuất hiện các vết loét trong miệng.
- Tiếp đến trẻ có thể bị sốt một cách đột ngột, thân nhiệt cao hơn bình thường. Sốt thường đi kèm với nhiệt miệng bởi khi bị nhiệt miệng tức là bé đang bị viêm, cơ thể sẽ có phản xạ sốt để chống lại các tác nhân gây bệnh. Tuỳ từng trẻ có bé sốt cao có bé sốt nhẹ.
- Bé cũng bị chảy nhiều nước dãi hơn bình thường, hay đưa tay lên miệng để ngậm.
- Bên cạnh đó bé sẽ lười ăn và chán ăn hơn, thậm chí là bỏ ăn do đau và khó chịu.
- Quan sát thấy nướu bị sưng đỏ, bé đau nhức lợi, lợi sưng, chảy máu chân răng.
- Trẻ cảm thấy khó chịu và thường xuyên quấy khóc, ngủ không ngon giấc.
Xem thêm: Trẻ bị nhiệt miệng sưng lợi
Cách khắc phục bệnh nhiệt miệng ở trẻ em
- Mẹ cho bé súc miệng hàng ngày với dung dịch nước muối (ít nhất là 4 lần/ngày).
- Cho con đánh răng 2 lần sáng và tối để làm sạch răng miệng, tránh vi khuẩn phát triển.
- Với các bé dưới 1 tuổi mẹ lưu ý vệ sinh răng miệng cho con bằng cách dùng gạc quấn đầu ngón tay rồi rà miệng, lau sạch lưỡi, nướu và các vùng bị loét.
- Cho trẻ uống nhiều nước lọc hơn mỗi ngày để thanh lọc cơ thể và tránh mất nước. Còn bé đang bú thì cần cho trẻ bú mẹ nhiều hơn.
- Mẹ có thể cho con uống nước cam, nước ép cà chua, nước rau má, râu ngô, nước chanh tươi… để cung cấp vitamin C và nâng cao sức đề kháng cho con.
- Chế biến thức ăn mềm, loãng, xay nhỏ để bé dễ nuốt và dễ hấp thu, đỡ phải nhai nhiều.
Ngoài ra để đối phó với hiện tượng nhiệt miệng ở trẻ em các mẹ có thể dùng mật ong để bôi vào các vết thương lở loét, sẽ giúp con mau lành. Tuy nhiên cách này không áp dụng với bé sơ sinh dưới 1 tuổi. Trường hợp nặng cần cho con đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để có hướng chữa trị tốt nhất.
Đọc thêm: Trẻ bị nhiệt miệng uống gì?